Về mặt lịch sử, vạn Thạch Long được tạo lập khá sớm ở khu vực Mũi Né và
Phan Thiết, gắn liền với quá trình di dân, tiếp quản và xây dựng các vạn chài
ven biển vùng cực Nam Trung Bộ của ngư dân các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.
Tương truyền, vua Gia Long đã từng đến thăm Vạn vào năm Ất Mão (1795), có thể
nói di tích vạn Thạch Long được hình thành từ thế kỷ XVII-XVIII, có niên đại
hơn 200 năm. Di tích bao gồm quần thể kiến trúc trên diện tích gần 9.000m2,
kiến tạo theo lối kiến trúc nghệ thuật dân gian truyền thống, bề thế, trang
nghiêm gồm các hạng mục công trình lịch sử - văn hóa như: Chánh điện, Võ ca,
gian thờ Tiền vãng, gian thờ Năm bà Ngũ hành, am thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, cột cờ,
án phong, Nhà khói….
Cổng tam quan và toàn cảnh khuôn viên Vạn Thạch
Long.
Tuy không
sở hữu vẻ đẹp sang trọng như những địa điểm du lịch khác nhưng vạn Thạch Long (Nam
Hải) mang nét đẹp cổ kính, tâm linh; là nơi gắn liền với lịch sử phát triển của
biển Mũi Né; nơi lưu giữ truyền thuyết về xóm Ba Chòi của ba anh em nhà Rìu,
Búa, Đinh như một minh chứng cho sự tồn tại của cư dân vùng Mũi Né; nơi lưu giữ
những giá trị văn hóa độc đáo về nghề cá; nơi tìm hiểu thêm về lịch sử, tín ngưỡng
và có ý nghĩa rất lớn đối với ngư dân vạn chài Mũi Né nơi đây.
Nơi đây
còn lưu trữ những bức Hoàng phi khắc bằng chữ Hán như: Thụy Thanh Bình (Thanh bình điềm lành), Hải đa ngư (Biển nhiều cá), Sơn trường phú (Núi dài và trù phú)…; các Bài vị như: “Nam Hải cự tộc Ngọc lân Trung đẳng thần”,
“Sắc Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thượng
đẳng thần”…; các Câu đối, Văn tế về tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng ven
biển và các hiện vật khác liên quan đến nghề biển có giá trị văn hóa to lớn và
được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là một trong những Di tích lịch sử - văn
hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 19/11/2008.
Khu vực Trung tâm Chánh điện.
Gian thờ
Chánh điện đặt bài vị thờ thần Nam hải cự tộc Ngọc lân Trung đẳng thần và Sắc
Thủy Long thần nữ nương nương Thượng đẳng thần viết bằng chữ Hán; nối liền về
phía bên phải Chánh điện là gian thờ Tiền vãng thờ các bậc tiền nhân có công tạo
dựng vạn Thạch Long; phía bên trái của Chánh điện là gian thờ Năm bà Ngũ hành;
dọc theo lối vào vạn về phía bên trái là một khoảng đất khá rộng dùng để an
táng cá Ông… Đây là những nhân vật liên quan đến nghề biển và đóng vai trò quan
trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân Mũi Né nói riêng, Phan
Thiết nói chung..
Khu vực gian thờ Năm bà Ngũ Hành, Tiêu Diện Đại
Sĩ.
Vạn Thạch
Long sở hữu một khuôn viên rộng lớn, tọa lạc trên mỏm cát nhô ra biển, ở một vị
thế cao ráo, thoáng đãng, rất lý tưởng cho các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng
ngư nghiệp truyền thống của người dân địa phương cũng như nhu cầu xem lễ hội,
tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Một góc khuôn viên vạn Thạch Long nhìn ra hướng
biển.
Trải qua hơn 200 năm tồn tại và theo dòng chảy
của thời gian, một số hạng mục công trình xuống cấp. Ngày 20/5/2021, UBND tỉnh
đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích vạn Thạch Long tại
Quyết định số 1259/QĐ-UBND. Công trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm
chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 2,493 triệu đồng từ nguồn vốn Xổ số kiến thiết
đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Quy mô đầu tư gồm: tu bổ, trùng tu Chánh
điện thờ thần, gian thờ Tiền vãng, gian thờ Năm bà Ngũ hành, am thờ Tiêu Diện
Đại Sĩ, nhà khói, nhà khách và các hạng mục phụ trợ có liên quan, phòng cháy
chữa cháy, chống mối mọt toàn bộ công trình. Ngoài ra, bà con ngư dân vạn chài đã
đóng góp kinh phí xây dựng Cổng tam quan với tổng số vốn khoảng 120 triệu đồng.
Hiện công trình tu bổ, trùng tu Vạn Thạch Long đã được triển khai và đang dần
hoàn thiện.
Việc đầu tư các hạng mục công trình nói trên
nhằm tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa, góp
phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cư dân vùng biển, đáp ứng nhu cầu tín
ngưỡng của bà con ngư dân vạn chài và phục vụ du khách khi đến tham quan, tìm
hiểu về phong tục tập quán của địa phương. Vạn Nam Hải Thạch Long là một Di
tích lịch sử - văn hóa quý báu, là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân phường
Mũi Né.
- Quốc Bảo -